THÔNG TIN BỆNH BẠCH HẦU, TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TẠI NGHỆ AN VÀ MỘT SỐ KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG
I. Bệnh Bạch hầu (Diphteria)
1. Đại cương
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính
thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium
diphtheriae). Bệnh lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát
hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Ổ
chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn, đây vừa là
ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ
lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng thấp,
không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc
bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ.
Bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do
ngoại độc tố của vi khuẩn.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình
tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết
các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện
nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch
hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985
xuống 0,14/100.000 dân năm 2000.
Tại Nghệ An, từ năm 2017 đến nay ghi nhận một số ca mắc bệnh bạch hầu, rải
rác trên một số địa bàn thuộc huyện Kỳ Sơn, tuy nhiên không có trường hợp nào
tử vong ( 2017: 01 ca mắc tại xã Mường Típ; 2021: 05 ca mắc
tại xã Hữu Lập; 2022: ghi nhận 02 ca mắc
tại xã Na Lợi).
2. Nguồn truyền nhiễm
Ổ chứa: ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi
khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Thời
gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền thường
không cố định.
3. Phương thức lây truyền
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh
hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với
những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa
tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.
Tỷ lệ lây nhiễm khi tiếp xúc gần: Tỷ lệ
mắc bạch hầu ở Việt Nam hiện nay là 0,14/100.000 dân; 21,6% có tiền sử rõ ràng
tiếp xúc với trường hợp bạch hầu dương tính. Tỷ
lễ lây nhiễm khi tiêm đủ vắc xin: Hiệu quả bảo vệ 97%. Tỷ lệ tử vong nếu ko được điều trị: Nếu mắc
bệnh không điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong 30-50%. Tỷ lệ tử vong khi được
điều trị: Theo báo cáo tỷ lệ tử vong 2,6%, tỷ lệ biến chứng 4,2%.
4. Điều trị
Nguyên tắc điều trị: Phát hiện sớm, cách ly khi phát hiện ca bệnh; Sử dụng
kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh ngay (penicillin G, erythromycin,
azithromycin) để ngăn chặn các biến chứng để giảm tử vong. Theo dõi, phát hiện
sớm và xử lý kịp thời các biến chứng. Chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
II. Nhận định tình hình
- Kỳ Sơn là
huyện có dịch Bạch hầu lưu hành trong nhiều năm nay; Bộ Y tế đã có các Quyết
định về hướng dẫn giám sát, chẩn đoán và điều trị ca bệnh rất chi tiết, cụ thể.
Trong điều trị, có hướng dẫn sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), sử
dụng kháng sinh… Hơn nữa, trong phòng bệnh có vắc xin phối hợp chứa thành phần
Bạch hầu được triển khai trong Chương trình TCMR cho trẻ em, các vắc xin phối
hợp chứa thành phần Bạch hầu khác cho trẻ em và người lớn có tại các cơ sở tiêm
chủng dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh.
- Hiện tại ghi nhận 02 ca mắc (01 ca tử
vong và 01 ca đang điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương). Tại Nghệ An, ổ dịch
Bạch hầu ngày thứ 08 không ghi nhận ca mắc mới kể từ ngày ca bệnh cuối cùng được
cách ly, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần đã được uống thuốc kháng sinh dự
phòng và lấy mẫu xét nghiệm âm tính; Tiếp
tục theo dõi ổ dịch trong vòng 14 ngày theo quy định. Vì vậy, người dân không quá hoang
mang, lo lắng và cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế, đồng
thời chủ động đưa con em mình trong độ tiêm đi tiêm chủng các loại vắc xin
phòng bệnh sẽ giúp phòng chống được các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh
Bạch hầu.
III.
Các giải pháp y tế đã triển khai
1. Chỉ đạo CDC cử Đội phản ứng nhanh do
đồng chí Phó Giám đốc CDC làm Trưởng đoàn tiến hành điều tra, giám sát hướng
dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh Bạch hầu
tại huyện Kỳ Sơn, chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm các các trường hợp tiếp xúc gần:
Lấy 10 mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu. Hiện nay tất cả mẫu cho kết
quả âm tính. Ngày 08/7/2024, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 2185/SYT-NVY về
việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Xử lý môi trường, tiến hành phun khử
khuẩn tại các hộ gia đình liên quan. Chỉ đạo TTYT Kỳ Sơn, BCĐ PCD xã cử cán bộ
đến gia đình bệnh nhân thực hiện các biện pháp y tế hỗ trợ gia đình. Thực hiện
cách ly, theo dõi sức khỏe hằng ngày và uống thuốc dự phòng tất cả các trường
hợp tiếp xúc. Báo cáo tình hình dịch bệnh hằng ngày. Tiến hành truyền thông
phòng chống dịch tại xã bằng tiếng việt, tiếng địa phương (Khơ mú) cho người
dân trên địa bàn.
3. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh Bắc Giang chia sẻ thông tin người tiếp xúc gần và thực hiện các biện
pháp phòng chống dịch.
IV.
Khuyến cáo người dân
- Trẻ em dưới 48 tháng tuổi đi tiêm phòng
vắc xin chứa thành phần Bạch hầu (5 trong 1, DPT) đầy đủ, đúng lịch theo quy
định tại Trạm Y tế.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che
miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế
tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ,
lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn
chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc
bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và
điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ
dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc
xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế./.